Văn hoá ứng xử trong thể thao là tổng hợp các mối quan hệ trong giao tiếp xã hội được nâng lên ở mức độ nghệ thuật rất cao và thể hiện rất rõ nét trong cuộc sống. Nó có những đặc thù rất chung giống như văn hóa ứng xử trong kinh doanh, văn hóa giao thông, văn hóa ẩm thực… nhưng lại rất riêng và khác biệt với văn hóa ứng xử ở các lĩnh vực khác.
Văn hoá ứng xử trong thể thao là một phần trong văn hóa nghệ thuật. Rất quan trọng vì thể thao mang lại màu cờ sắc áo cho mỗi quốc gia, cho mỗi dân tộc hay nhỏ hơn là cho mỗi vùng miền lãnh thổ địa phương. Đây là một vấn đề nhiều người bàn đến nhưng ít khi được quan tâm phân tích về chiều sâu, nhất là trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các diễn đàn và cả trong các công trình nghiên cứu khoa học về văn hóa.
Văn hoá ứng xử trong thể thao nó mang lại màu cờ sắc áo
Ảnh sưu tầm
Bản chất của thể thao là tinh thần đoàn kết, thi đấu hữu nghị, trung thực, công bằng và cao thượng. Thể thao được coi như sứ giả của hòa bình và hữu nghị. Thể thao dễ làm cho con người quên đi mọi nỗi buồn, mọi thù hằn để đến gần nhau hơn.
Nhưng trong thực tế thì luôn có những tình huống xảy ra trong những phút gay cấn, mặc dù khoảnh khắc xảy ra rất là ngắn, nếu bản thân mỗi vận động viên, huấn luyện viên, bác sĩ, các nhà quản lý hay thậm chí cả cổ động viên không biết kiềm chế, không có tinh thần cao thượng thì dễ gây nên những hậu quả khó lường.
Trong đời thường, cuộc sống của các vận động viên, huấn luyện viên, kể cả các bác sĩ thể thao, các nhà quản lý, các cổ động viên là quan hệ tình cảm thầy trò, đồng nghiệp, bạn đồng môn, là anh em bạn bè, là quan hệ tình cảm cô cháu, chú bác…nhưng khi trong thi đấu thể thao, những họ lại là những đối thủ, đối kháng của nhau. Họ luôn tìm mọi cách để làm cho đối thủ phải chịu đòn để đối phương gục ngã, cũng có không ít trường hợp để lại hậu quả cho đối phương mang chấn thương, tàn tật suốt, vì thành tích thể thao, vì khát khao chiến thắng. Chính vì vậy chúng ta cần xây dựng những nét đẹp văn hóa ứng xử trong thể thao để cho mỗi vận động viên, huấn luyện viên, cổ động viên trong tập luyện và thi đấu tránh được những không mong muốn xảy ra.
Trong thi đấu thể thao là những đối thủ, đối kháng của nhau
Ảnh sưu tầm
Để văn hoá ứng xử trong thể thao thể hiện được nét đẹp chuẩn mực cần:
Trước trong và sau khi thi đấu thể thao không nên gây áp lực cho vận động viên, huấn luyện viên, cổ động viên cũng như các nhà quản lý thể thao. Cần tạo sự an tâm hứng khởi cho vận động viên, huấn luyện viên, cổ động viên trước khi thi đấu để mang lại thành tích cao nhất.
Tuyên truyền giáo dục cho vận động viên, huấn luyện viên, cổ động viên không học các thói xấu trong thi đấu thể thao, những điều gây nguy hiểm cho đối thủ, đối phương, những mánh lới, những thủ thuật gây thương tật có hại cho đối thủ, đối phương. Những hành vi, lời nói kích động bạo lực trong thể thao hay còn gọi là hành động phi thể thao.
Khơi dậy tinh thần đạo đức, thượng võ, tinh thần thể thao, hòa bình và hữu nghị cho vận động viên, huấn luyện viên, cổ động viên.
Tổ chức gặp mặt, giao lưu cho vận động viên, huấn luyện viên, cổ động viên cũng như các nhà quản lý thể thao sau các giải thi đấu tạo nên sự gần gũi thân thiện, để có trao đổi về những va chạm, sơ xuất trong quá trình thi đấu nhằm rút kinh nghiệm trong các giải thi đấu hay những sự kiện thể thao tiếp theo.
Văn hóa ứng xử trong thể thao rất quan trọng trong cuộc sống. Không chỉ riêng vận động viên, huấn luyện viên, cổ động viên…, cũng như các nhà quản lý thể thao mà ngay cả mỗi chúng ta nếu ai cũng biết và hiểu được văn hóa ứng xử trong thể thao thì chúng ta sẽ gần gũi, thân thiện hơn. Để có được điều đó, mỗi chúng ta cần chung tay xây dựng và luôn tạo nên những nét đẹp văn hóa ứng xử trong thể thao, hình thành nên những quy chuẩn, tạo nền tảng cơ sở vững chắc cho đào tạo cho thế hệ sau.
Khơi dậy tinh thần đạo đức, thượng võ, tinh thần thể thao, hòa bình và hữu nghị
Ảnh sưu tầmTS.Cao Hoàng Khuyến – Khoa Các khoa học liên ngành