Nâng cao năng lực xác định mục tiêu bài học môn Tiếng Việt cho sinh viên ngành GDTH

Phương pháp dạy học Tiếng Việt là học phần có vị trí quan trọng trong Chương trình đào tạo ngành Giáo dục Tiểu học tại Phân hiệu. Với 6 tín chỉ (90 tiết học tập trên lớp, 180 tiết tự học), học phần giúp sinh viên có được những hiểu biết chung về môn Tiếng Việt được giảng dạy trong nhà trường Tiểu học, cách thiết kế bài học, cách lựa chọn và vận dụng các phương pháp, hình thức tổ chức giờ Tiếng Việt ở tiểu học một cách hiệu quả. Tuy nhiên, trong quá trình giảng dạy các lớp sinh viên, chúng tôi nhận thấy sinh viên gặp khó khăn trong việc xác định mục tiêu khi xây dựng kế hoạch bài học cho các bài học trong môn Tiếng Việt.

 Có thể thấy, xác định đúng mục tiêu bài học giúp giáo viên lựa chọn, vận dụng đúng phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động dạy học. Nó còn là cơ sở xác định các kết quả học tập của học sinh, sinh viên và kiểm tra, đánh giá người học, người dạy cũng như giá trị của một bài giảng. Từ đó, học sinh chiếm lĩnh kiến thức một cách nhẹ nhàng, hiệu quả và chuẩn xác nhất. Thực tế hiện nay, vẫn còn rất nhiều sinh viên lúng túng trong việc xác định đúng mục tiêu bài học (chưa biết căn cứ vào đâu để xác định mục tiêu? Mục tiêu bài dạy cần đảm bảo những yêu cầu gì? Bài học cần giúp học sinh đạt được những gì? Xác định mục tiêu bài dạy để làm gì? mục tiêu chính của bài theo từng phân môn cũng như các năng lực cần hình thành cho học sinh)… Xuất phát từ thực tế trong dạy học sinh viên ngành giáo dục tiểu học, qua mỗi giờ học, giảng viên cần giúp các em có được năng lực xác định mục tiêu bài học qua các việc làm dưới đây:

Một là, định hướng cho sinh viên mô tả, phân tích, đánh giá được mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể của môn Tiếng Việt theo Chương trình Giáo dục phổ thông môn Ngữ văn (Ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo), cấp Tiểu học, cụ thể là:

(1) Giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất chủ yếu với các biểu hiện cụ thể: yêu thiên nhiên, gia đình, quê hương; có ý thức đối với cội nguồn; yêu thích cái đẹp, cái thiện và có cảm xúc lành mạnh; có hứng thú học tập, ham thích lao động; thật thà, ngay thẳng trong học tập và đời sống; có ý thức thực hiện trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, xã hội và môi trường xung quanh. 

(2) Giúp học sinh bước đầu hình thành các năng lực chung, phát triển năng lực ngôn ngữ ở tất cả các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe với mức độ căn bản: đọc đúng, trôi chảy văn bản; hiểu được nội dung, thông tin chính của văn bản; liên hệ, so sánh ngoài văn bản; viết đúng chính tả, ngữ pháp; viết được một số câu, đoạn, bài văn ngắn (chủ yếu là bài văn kể và tả); phát biểu rõ ràng; nghe hiểu ý kiến người nói. Phát triển năng lực văn học với yêu cầu phân biệt được thơ và truyện, biết cách đọc thơ và truyện; nhận biết được vẻ đẹp của ngôn từ nghệ thuật; có trí tưởng tượng, hiểu và biết xúc động trước cái đẹp, cái thiện của con người và thế giới xung quanh được thể hiện trong các văn bản văn học. 

Hai là, giúp sinh viên nhận thức rõ mục tiêu cốt lõi của từng phân môn trong môn Tiếng Việt ở Tiểu học

TTPhân mônLớpMục tiêu trọng tâm
1Học vầnLớp 1– Phát triển năng lực ngôn ngữ  thông qua kĩ năng đọc
2Tập đọcLớp 1-5– Phát triển năng lực ngôn ngữ  thông qua kĩ năng đọc (đọc đúng: Đọc đúng từ, mạch lạc, thông thạo, trôi chảy; đọc hiểu: hiểu từ, câu, đoạn, bài; đọc hay – lớp 4, 5, bước đầu đọc diễn cảm).- Phát triển năng lực văn học với yêu cầu phân biệt được thơ và truyện, biết cách đọc thơ và truyện; nhận biết được vẻ đẹp của ngôn từ nghệ thuật; có trí tưởng tượng, hiểu và biết xúc động trước cái đẹp, cái thiện của con người và thế giới xung quanh được thể hiện trong các văn bản văn học.
3Tập viếtLớp 1-3– Phát triển năng lực ngôn ngữ  thông qua kĩ năng viết (viết đúng mẫu chữ, kiểu chữ, cỡ chữ, độ cao, liền nét, khoảng cách,…).
4Chính tảLớp 1-5– Phát triển năng lực ngôn ngữ  thông qua kĩ năng nghe, viết (viết đúng chính tả, đẹp, đảm bảo tốc độ) – kĩ năng viết là chính. 
5Kể chuyệnLớp 1-5– Phát triển năng lực ngôn ngữ thông qua kĩ năng  nghe, nói.
6Luyện từ vàLớp 2-5– Phát triển năng lực ngôn ngữ thông qua kĩ năng nói, viết (dùng từ, đặt câu. …).
7Tập làm vănLớp 2-5– Phát triển năng lực ngôn ngữ thông qua kĩ năng đọc, viết (viết đúng chính tả, ngữ pháp; viết được một số câu, đoạn, bài văn ngắn -chủ yếu là bài văn kể và tả), nghe, nói (phát biểu rõ ràng; nghe hiểu ý kiến người nói).

Ba là, cung cấp cho sinh viên thang nhận thức Bloom để sinh viên có công cụ viết mục tiêu bài học. Hướng dẫn để sinh viên biết cách lựa chọn từ chìa khóa đặt trước mỗi mục tiêu. Việc làm này chuyển thói quen viết mục tiêu giảng dạy “cho thầy” thành mục tiêu học tập “cho trò” giúp người dạy có thể định lượng được giờ dạy qua các sản phẩm cụ thể của tiết dạy. 

Trình độĐịnh nghĩaSự thực hiện để đánh giá
2. Thông hiểuTrình bày được nội dung các sự kiện, tính chất đặc trưng của sự vật.Ví dụ: Giải nghĩa được nghĩa của từ “thì thầm” trong bài “Mẩu giấy vụn”.Sự thực hiện: Mô tả, giải thích, diễn đạt, báo cáo, sắp xếp, tính toán…
3. Vận dụng– Vận dụng một kiến thức để hiểu một kiến thức khác phức tạp hơn.- Vận dụng trường hợp chung vào trường hợp riêng.Ví dụ: Đặt câu với từ chỉ tính nết của trẻ em “Luyện từ và câu: chủ đề Thiếu nhi”.Sự thực hiện : Thể hiện, ứng dụng, trình diễn, minh hoạ, bố trí…
4. Phân tíchVận dụng các nguyên lý để tìm hiểu, nhận thức các sự kiện, sự việc, trường hợp riêng.Ví dụ: Phân tích được kiểu câu theo cấu tạo: Ai (cái gì, con gì)-Sự thực hiện: Phân tích, phân hoá, phân loại, đánh giá, so sánh, tính toán…
5. Tổng hợpVận dụng các nguyên lý vào các trường hợp riêng lẻ để trình bày 1 kết luận chung hoặc 1 giải pháp mới.Ví dụ: Viết được bài văn miêu tả con vật (đồ vật, cây cối…)Sự thực hiện: Soạn thảo, tổng kết, lập kế hoạch, thiết kế, bố trí, thiết lập…
6. Đánh giáVận dụng các nguyên lý để phân tích, tìm hiểu và so sánh một giải pháp (kết cấu, quy trình…) với các giải pháp khác đã biết.Ví dụ: Đánh giá được vai trò của người mẹ sau khi học song bài “Mẹ vắng nhà ngày bão”.Sự thực hiện: Đánh giá, xếp hạng, so sánh, chọn lựa, định giá, cho điểm.

Các mức độ về thái độ để hình thành phẩm chất tốt đẹp cho học sinh

Mức độĐịnh nghĩaSự thực hiện để đánh giá
1. Tiếp nhậnLắng nghe.Ví dụ: Lắng nghe về ý nghĩa của  việc lao động  (Hũ bạc của người cha).
2. Đáp ứngLắng nghe và có phản ứng để hiểu rõ; chấp hành.Ví dụ: Yêu thích lao động.
3. Đánh giá thừa nhậnLắng nghe và có phản ứng với quan điểm của mình.Ví dụ: Thừa nhận  lao động là vô cùng cần thiết và hữu ích; lao động là vàng.
4. Tổ chức thực hiệnĐưa ra các quan điểm về chính mình.Ví dụ: Công nhận các tình huống về lao động chân chính; an toàn lao động và cam kết thực hiện.
5. Đặc trưng hoáThực hiện tốt các đặc trưng thực tế với hoàn cảnh của chính mình một cách tự giác.Ví dụ: Thường xuyên có ý thức tham gia lao động ở trường, ở nhà, ở khu dân cư sinh sống.

Bốn là, cùng sinh viên quy trình hóa mục tiêu bài học cho một tiết dạy thành các bước sao cho việc xác định mục tiêu bài dạy môn Tiếng Việt được chính xác, đồng thời phát huy tính tích cực học tập của nhiều học sinh, đảm bảo cho nhiều em được làm việc, được rèn luyện, học tập…Cụ thể:

Bước 1: Giáo viên căn cứ vào lịch báo giảng chi tiết của tổ khối chuyên môn xem phân môn, tiết dạy, tên bài dạy là gì.

Bước 2: Xem nội dung chính của bài trong sách giáo khoa thuộc chủ điểm nào của  chương trình.

Bước 3: Đối chiếu hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học cấp tiểu học.

Bước 4: Đối chiếu các yêu cầu cần đạt về nội dung để xác định mục tiêu bài dạy, lựa chọn bài tập phù hợp với tình hình thực tế học sinh, với địa phương.

Bước 5: Căn cứ vào mục tiêu chính của bài để chọn các hoạt động dạy và học (nội dung, phương pháp, kĩ thuật dạy và học, hình thức tổ chức,…) phù hợp với đối tượng học sinh, điều kiện của lớp và xác định mục tiêu của từng hoạt động dạy và học để học sinh có thể đạt được mục tiêu chung của bài học.

Tóm lại, mục tiêu kế hoạch bài học là kết quả thực hiện đã dự định của học sinh vào cuối buổi dạy, đây là chìa khoá vàng giúp giáo viên chọn lựa con đường ngắn nhất đưa học sinh đến kho tàng tri thức một cách nhanh gọn và hiệu quả nhất. Xác định mục tiêu bài học đúng và thực hiện tốt mục tiêu bài dạy quyết định sự thành công tiết dạy. Vì vậy, rèn luyện để sinh viên thành thục trong viêc xác định mục tiêu bài học môn Tiếng Việt là vô cùng cần thiết. Qua từng tiết dạy người giảng viên cần chú ý đến nội dung này để giúp sinh viên hình thành năng lực, có tay nghề vững chắc, tích cực, một nhà giáo giỏi trong tương lai. 

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Ngân – khoa Cao đẳng Sư phạm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *